Tôi đã đăng ký thẻ thông minh xe buýt UniPass như thế nào? (1)

Phần 1: Trải nghiệm với dịch vụ công thường khó khăn và mất thời gian

Gần đây (thời điểm 01-2020) chú ý trên xe bus (TPHCM) thấy có treo thêm một cái thiết bị mới (trông như cái hộp tự chế, xấu điên :D) trên cột phía sau lái xe, ngay phía trên cột máy bán vé. Trên xe sáng nay thấy là một thiết bị mới vỏ nhựa trông hiện đại hơn hẳn, lại có cả màn hình, thế nên mới tò mò ngó vào và hỏi tài xế thì được biết là đầu đọc thẻ thông minh sắp được áp dụng đại trà toàn thành phố. Boom, xe bus 4.0 đây rồi, sẽ phải thử ngay mới được 🙂 (tài xế cũng rất hào hứng giới thiệu).

Không phải tài xế nào cũng như vậy, ngay buổi chiều lúc về có một bạn thay vì bấm nút lấy vé như mọi khi thì lại bấm nút trên màn hình cảm ứng của máy quẹt thẻ UniPass kia – làm tài xế giật mình cáu hỏi “làm cái gì thế?” 🙂 (các tài xế bus có một lo lắng thường trực là khách bấm nút linh tinh, vd mua nhầm vé hoặc bấm ra tới 2 vé :D). Tuy nhiên lần này bạn trẻ kia đúng, bạn đó giải thích là lúc sáng được một tài xế khác hướng dẫn như vậy. Tài xế đuối lý nhưng cố vớt vát, và lại càng sai hơn, “lúc nào đi xe tài xế đó thì hãy bấm thế”. Sau đó tiện tay tắt luôn cái máy UniPass kia đi, cho đỡ rắc rối 😛

Tôi đã tìm kiếm thông tin như thế nào? Đầu tiên là vào ngay website của xe buýt TPHCM, may mắn là thấy ngay một link dẫn tới một trang dành riêng cho cái thẻ này. Nhận xét nhanh là trang đó khá đẹp, nội dung tương đối đủ, đọc hết là bạn có 90% thông tin cần biết. Tuy vậy, trang web này thiếu một số thông tin quan trọng, phản ánh sự cẩu thả trong công việc.

Tôi muốn đăng ký cho cả thằng nhóc nên chọn sẽ tới điểm giao dịch để đăng ký vì thấy nói đăng ký online thì chỉ có thể xài mã QR trên smartphone (mà không có thẻ). Mà trước khi đến thì cần một số điện thoại để hỏi, như tôi muốn đăng ký ở ĐH Tôn Đức Thắng không lẽ tới đó hỏi bảo vệ :), hoặc T7 có làm việc không etc. Nhưng mà gần như không có số điện thoại nào cả!!!

unipass1
Số hotline trả lời bạn về Zalo Pay

Gọi vào số hotline 1900545436 thì suýt nữa tưởng nhầm vì lại thấy nó nói là ZaloPay, ráng nghe tới 2 lần (mất 1.000đ/phút) mà không có nói gì về UniPass. Dẹp. (hôm sau tôi mới phát hiện ra là UniPass chỉ là một chức năng trong cái app ZaloPay, và phải khá vất vả mới giải mã ra điều đó vì thông tin được mã hoá rất kỹ :D).

Trong phần FAQ có nói 2 điểm làm thẻ, nhưng không có một số điện thoại nào! Còn một lựa chọn duy nhất là số liên hệ chung 028.3926.2798 bé tí ở footer. Gọi vào khoảng hơn 17h không có ai nghe, sáng hôm sau gọi lại và trình bày lý do thì được mấy em ở đó nhiệt tình trợ giúp, cho những 3 số điện thoại khác để… gọi tiếp 🙂

unipass2
Làm sao tìm ra nơi làm thẻ trong một trường ĐH?

Ngoài chuyện hoàn toàn thiếu các số điện thoại thì nội dung trang web cũng được làm cẩu thả. Tôi thấy luôn nhắc đến app mà không thấy có cái link nào để tải app UniPass, tài thế, hôm sau mới biết là tải ZaloPay. Phần nói về các tuyến đang triển khai cũng bất nhất, không tính tuyến tôi đi chắc mới áp dụng nên chưa kịp cập nhật.

unipass3

unipass4
Thông tin mỗi phần nói một phách 🙂

Cũng khá khó khăn mà hôm sau tôi mới tìm ra một cái link được giấu kỹ, mới biết trang web này là một bản copy giống khoảng 95% của website UniPass này 🙂 (cách làm việc này không có gì lạ, người làm ẩu đã đành nhưng nếu người kiểm tra có trách nhiệm thì làm gì có chuyện bê-tông cốt tre chẳng hạn :D).

(còn tiếp)

unipass5

Trang unipass.vn là một phiên bản giống 95%

P.S. Đây là câu chuyện viết dở (draft) ở thời điểm 01-2020, đến nay tôi (và bạn Gấu nhà tôi) đã sử dụng UniPass để đi bus được gần 4 năm và đây đúng là một thay đổi đã giúp hệ thống bus TPHCM (hay chỉ cty Saigon Bus?) phục vụ khách hàng tốt hơn. Qua thời gian bản thân UniPass cũng được nâng cấp tốt hơn vd như tích hợp thanh toán trực tiếp từ Zalopay (không cần nạp tiền riêng). Không biết bus HN có UniPass hay cái gì tương tự không?

Một điều thú vị nữa là tôi cũng có lần phỏng vấn một bạn apply job đã từng làm dự án UniPass này, thế là có thêm một case thực tế để nói chuyện developer-user vì thường 90% các buổi phỏng vấn job thường boring và có thể kết thúc sau 15 phút.

Lang thang miền Tây: Mỹ Tho – Vĩnh Long – Sa Đéc – Cần Thơ

Thằng Vinh chỉ quán hủ tiếu Trang ngay góc Yersin – Ấp Bắc nhưng mà lúc ghé vào là 12h thì quán đã nghỉ bán. Qua hủ tiếu Mỹ Tho ăn, 40K/tô khá đắt, nói chung ngon tuy nhiên hủ tiếu không phải món thích.

Quay lại chùa Vĩnh Tràng, chùa to thật, có mấy pho tượng rất lớn. Chùa cũ, bên trong trạm trổ rất đẹp.

Khoảng 14h30 đi qua Cái Mơn? thấy toàn sầu riêng, sau đó toàn mít. Đường rất đẹp.

15h gặp đường cụt ĐT875B phải quay lại, coi lại Gmaps thấy có review cầu không đi được mà không xem trước :(. Đi lên Cai Lậy gặp đường tránh một chiều, lỡ đi vào rồi phải theo suốt, rồi ra QL1, kẹt xe, mãi mới quay đầu lại được, mua đường mất đến 20km-30km, lòng vòng mất hơn 1h. Biển cắm linh tinh, chặn đường mà ko kẻ lại vạch, mũi tên chỉ linh tinh.

15h40 gọi giao hàng Tiki, nó kêu chiều mới lấy hàng. Bọn Tiki cancel mà ko báo bọn kia huỷ.

16h30 đến Cái Bè, chỉ vì muốn xem chợ nổi mà phải đi đường vòng, lại mua đường, cuối cùng ko thấy chợ đâu, hỏi mấy bà ở chợ thì bảo chợ từ 10 năm trước, giờ làm gì còn, giờ xe tải chở tận vườn đâu phải dùng ghe đi bán.

Lúc ở Cái Bè ra tính đi tắt qua HLxxx nhưng sợ lại gặp phải đường cụt nên hỏi một anh bên đường, được biết đi ngon nên mới yên tâm đi, hoá ra đi qua cái cầu là có một ngôi chùa chắc cũng có tiếng, xe tour xếp đầy đường, chắc nhờ thế nên đường từ chùa ra tới QL1 lại rộng đẹp, khác hẳn đoạn đầu phía Cái Bè.

Tới Vĩnh Long cũng gần 5h chiều, đói bụng và bạn Gấu cũng đòi ăn cơm tấm. Trên Foody thấy có cơm tấm cô Tuyết ở đường Lý Thường Kiệt mà tìm không thấy tăm hơi. Lượn vào một đường vắng nhảy xuống hỏi một bác già già, bác ấy chỉ cho một tiệm cơm tấm và nói “ngon dữ”.

Quả đúng là tiệm cơm tấm đấy ngon nhất trần đời 🙂

Qua cầu, dãy nhà nhỏ cũ nằm bên phải ngay dốc xuống cầu, có mỗi cái tên “Cơm tấm hè phố” in trên tấm bạt che nắng. Kế bên một tiệm tạp hoá và thuốc tây 30 Phạm Thái Bưởng. Quán nhỏ nhưng có đến cả chục người tính từ người nướng thịt đến dắt xe máy. Khách ăn rất đông.

Ăn xong cơm tấm ghé vào cafe Bon ngay ngã ba Lý Thường Kiệt – 2/9, nhiều đồ cổ, chếch bên kia đường là một dinh thự hai tầng từ thời Pháp giờ là Sở TTTT.

Đi đâu cũng muốn ghé coi nhà thờ, thế nên chạy ra ngó nhà thờ chánh toà Vĩnh Long (nhớ tập 1 của Ván bài Lật ngửa với giám mục Ngô Đình Thục chủ quản giáo phận Vĩnh Long). Tiếc là trời tối, nhà thờ đóng cửa tối om, bên ngoài khuôn viên cũng tối và toàn cây to chắc phải hàng chục năm tuổi. Nhất định có lần phải ghé qua ban ngày. Nhà thờ đơn giản nhất từng biết, như một cái ngôi nhà lớn với mái ngói.

Rời Vĩnh Long chạy chừng 45 phút theo QL80 là tới Sa Đéc.

Cần Thơ

Sau khi cafe xong thì chạy đi mua cơm tấm cho bạn Gấu, trước khi mua thì ghé vào nhà thờ chánh toà Cần Thơ. Nhà thờ Cần Thơ không lớn lắm (so với quy mô thành phố) tuy nhiên có khoảng sân rất rộng phía trước, nhà thờ cũng nằm về phía bên trái thay vì nằm giữa khu đất như thường thấy. Bên trong nhà thờ trang trí đơn giản và cũng không có các cửa sổ kính màu.

Cái đặc biệt nhất của nhà thờ Cần Thơ có lẽ là tháp chuông nằm bên ngoài, một kiến trúc bằng bêtong 3 chân với 3 quả chuông và hệ thống dây kéo. Đây là tháp chuông “thông thoáng” nhất từng biết, thường tháp chuông kín mít và nằm tít trên cao.

Trong nhà thờ vừa xong lễ rửa tội cho 2 em bé, ngoài sân có một nhóm hướng đạo sinh.

panorama-of-can-tho-cathedral
Nhà thờ chánh toà Cần Thơ

P.S. Chuyến đi này từ 02-2017, viết xong bỏ quên, hôm nay mới thấy nên publish.

Phượt xe máy qua phà Cần Giờ – Vũng Tàu

Tôi đi phà ra Vũng Tàu một chiều đông nắng toả 😅 (ăn theo Thái Bảo hát).

Nghe nói về tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu cũng khá lâu rồi, xong mấy tháng trước có thấy mọi người chia sẻ thông tin chi tiết hơn trên một group thấy cũng hay hay, dự định phải đi Vũng Tàu qua ngả này một lần coi xem phà đi trên biển nó thế nào. Chờ mãi cái action cam mua dịp Black Friday để gắn vào xe máy nên cuối cùng lại thành chuyến phượt cuối năm. Nhưng lại hay, vừa đẹp những ngày cuối năm thời tiết đẹp, cảnh đẹp 🤩

Sau vài năm sửa chữa giờ đường rừng Sác coi như đã xong toàn tuyến, phẳng đẹp, tốc độ max. xe máy 60Km, ô tô 80Km tha hồ mà chạy. Chừng 3-4 năm trở về trước thì đường xấu điên, mặt đường hư toàn tập như trải đá dăm đi vừa bụi vừa nguy hiểm, ổ gà dù nhỏ nhưng chi chít đi ô tô thì cứ phang đại chứ không biết tránh sao cho hết. Đường đã vắng đi giữa tuần lại còn vắng nữa, ai ở Sài Gòn mà chưa đi hơi phí 😂. Đây là lần thứ hai tôi đi xe máy xuống Cần Giờ.

Xuống Cần Giờ là ai cũng nghĩ tới ra chợ hải sản ở bãi 30/4, tôi cũng từng ghé đấy một lần coi xem mọi người khen rẻ với ngon với mua rồi nấu nướng luôn nó thế nào… rất rẻ mà lại rất ngon toàn kiểu mystery ấy. Toàn là tào lao, ở đấy xô bồ như một cái chợ, không rẻ mà cũng chẳng ngon. Tôi hay ghé mấy quán nhỏ nhỏ của người dân rải rác dọc đường, 3-4 năm lại đây là quán Bà Ly ngay trên đường đi vào Cần Thạnh, hải sản tươi, giá hợp lý. Quán có con mèo già rất ghê, nó cứ thấy ăn là chạy ra kêu gào, ông bà chủ quán đuổi nó vào nó cũng không sợ, mấy con chó thì sợ, bọn mèo là thế, rất láo. Tôi thì kệ, có nó cũng vui 😀

Thường là bao giờ cũng chạy ra ngó biển một tí, lần này bãi biển chỗ đầu phía dưới con đường đi từ bãi 30/4 không biết sao đã bị rào kín (lần cuối tôi đi là có hàng rào B40 nhưng vẫn có đoạn bị người dân xé ra đi qua được). Lần này phải chạy vào đường Bùi Lâm mới có lối ra bãi biển. Bãi biển ở đây rộng và phẳng còn đẹp hơn Vũng Tàu, mỗi tội đen ngòm toàn bùn 😀

Dọc đường còn mua mấy quả xoài, không biết có phải do vùng nước lợ ở đây thế nào mà xoài ngon cực kỳ và đây mới là một đặc sản của Cần Giờ chứ không phải hải sản. Ngon nên giá không rẻ, đắt hơn Sài Gòn nhé và người bán cũng biết điều đó :D. Trước còn mua được một vài thứ nữa nhưng giờ chỉ còn xoài, mà cũng ít thấy bán lắm rồi.

Chạy vào Cần Thạnh, tới chợ quẹo trái xong cứ chạy hết đường là tới bến phà. Chắc phà còn mới và ít người đi nên từ bãi tới phà đều rộng đẹp. Phà sơn trắng còn mới đẹp, xe máy và ô tô để tầng dưới, hành khách ngồi tầng trên có máy lạnh. Quang cảnh chung quanh bến phà một chiều nắng gió rất đẹp. Hai người và xe máy hết 190K tiền vé, hình như cứ chẵn giờ là có một chuyến, một chuyến đi hết chừng 30 phút.

Phà cứ thẳng hướng Vũng Tàu mà chạy, vùng này cũng lặng sóng nên phà chạy êm, hành khách một số ít là khách du lịch có cả người nước ngoài còn lại thì là những người đi thường xuyên, ví dụ ở Cần Giuộc họ đi Vũng Tàu đường này cũng gần hơn nhiều so với đi vòng qua TPHCM như trước. Hành khách được ra đứng hai bên cabin phía trước tàu thoải mái mà ngó trời ngó biển và quay phim chụp ảnh, bọn ra hóng là toàn bọn đi chơi 😀

Phà cập bến Vũng Tàu ở phía đầu đường Trần Phú, phía này tàu thuyền tấp nập nên từ khi còn cách bờ chừng 15 phút đã toàn mùi xăng dầu khá khó chịu. Bến phà ở đây thì như mọi bến phà nên không có gì đáng nói cả. Tôi chạy một dọc theo biển về dừng chân ở công viên tam giác, đây là một khu vực đẹp của Vũng Tàu mà tôi thường loanh quanh đi bộ mỗi sáng Chủ nhật khi xuống đây. Tôi không biết mấy người cứ hô hào văn hoá đọc với lại đường sách có biết cái đường sách ở đây nó lèo tèo thế nào, thường chỉ hoạt động cuối tuần và tiệm cafe cũng nhiều hơn tiệm sách. Còn lần này thì đã dẹp hẳn, sao dẹp thì chịu vì hỏi một chị ở nhà sách Hoàng Cương chị cũng nói thành phố nói dẹp chứ cũng không biết sao. Thế mà ở Sài Gòn người ta còn tính mở đường sách ở mấy quận nữa cơ đấy 😀

Xuống Vũng Tàu lần nào tôi cũng phải ghé phở Thìn, chứ hải sản có khi lại không ăn, hải sản thì Sài Gòn có thiếu gì (chỉ sợ thiếu tiền) chứ phở Thìn thì đúng là Sài Gòn không có. Lần đầu tiên ăn tối ở đây, trước khi ghé còn không biết quán có bán tối không, tới nơi thấy ông chủ đang hì hụi sửa cái bồn nước rửa tay cho khách, quán thì không có khách nào, phải hỏi trước khi dựng xe, hên là quán vẫn mở buổi tối 😀 (xui là hết quẩy). Tôi đúng khách hàng tốt, vào phát là thấy khách ghé tới tấp.

Ăn phở xong còn phải đi tìm nhà sách Hoàng Cương (vì ở đường sách đã dẹp tiệm) để mua cho được quyển Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ. Cuối cùng tôi lo cuống lên thế hoá ra thừa, còn tại sao thừa thì hơi dài dòng duyên nợ với quyển sách này, chờ đọc post sau sẽ rõ 😀

Đây cũng là lần thứ hai tôi đi xe máy xuống Vũng Tàu, lần đầu tiên đã cách đây hơn 10 năm, còn lần đầu tiên tôi đến Vũng Tàu đâu cách đây hai mươi mấy năm rồi.

Sáng hôm sau cafe xong quyết định chạy lên núi Nhỏ ghé coi cái bãi pháo một tí, chứ ngọn hải đăng (cũng trên núi Nhỏ) thì tôi không có hứng thú gì mấy, và cũng đã lên đó một lần. Đây là lần đầu leo núi bằng xe máy chứ lần trước cả nhà đi bộ tính từ khách sạn chắc cũng 5km gì đó, khó mà nói là không mệt được :D. Nhưng đi xe máy hay đi bộ đều có cái hay của nó, vậy nên trải nghiệm cả hai.

Đường lên mấy ngọn núi ở đây đều đẹp và vắng, trời xanh và nắng nhưng luôn có gió mát. Chỉ có một điểm không thích là bộ đội luôn chặn mất các con đường nên không thể nào đi hết mọi chỗ được.

Bãi pháo chỉ còn tàn tích là các lô cốt kiên cố nửa chìm nửa nổi, pháo đã bị lấy đi hết rồi, nếu muốn biết mấy khẩu pháo ngày trước để ở đây nó dài mười mấy mét vào cỡ nòng tới 300mm nó lớn thế nào thì hãy leo lên tượng Chúa. Đấy là pháo mang ở đây về chứ không ai bố trí pháo ở chỗ đó cả 😀

Chiều về chạy theo QL51 và qua phà Cát Lái thì chán ngắt mà không có lựa chọn nào khác, nếu có lần tới có khi lại đi phà về Cần Giờ có khi khoẻ hơn. Tôi đi chuyến này cuối tháng 12-2023 nhưng mãi tới hôm qua mới ngồi biên tập lại đống ảnh và video, đấy là lý do hôm nay mới có post này, thế mà đã 4 tháng rồi đấy 🙂

Trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant đã được dịch ra tiếng Việt

Ngày 07/04/2024 vừa qua IRED đã chính thức giới thiệu trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới với phần hoàn thành cuối cùng là phần VI có tên Phong trào Cải cách. Vậy là cuối cùng, lần đầu tiên bộ sách lịch sử khổng lồ này cũng đã được dịch toàn bộ sang tiếng Việt. Điều này rất quan trọng và cũng là điều mà nhiều người quan tâm bộ sách này, có tôi, rất sợ: dự án bị “đứt gánh giữa đường”. Bộ sách này chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều kỷ lục trong Guiness Việt Nam như bộ sách dịch lớn nhất, và thậm chí nặng nhất luôn (11 phần với 45 quyển bìa cứng), có khi còn nhiều dịch giả nhất (5 người).

Những ai quan tâm tới bộ sách này chắc có biết là ngày trước học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng dịch phần 1 ( nhưng không phải dịch nguyên bản) mà ngày nay vẫn được xuất bản. Ông đã mua bản quyền bộ sách nhưng không dịch được vì đơn giản là không có đủ người mua sách, nếu dịch và xuất bản thì lỗ nặng.

Tôi biết đến bộ sách này lần đầu từ đâu những năm 2003-2005 qua một diễn đàn, cũng từng xin được trọn bộ ebook nhưng mà quả thực không biết mấy ai đọc được trọn bộ này từ English trên máy tính :). Để đó lúc nào nhớ ra mở ra coi chơi thì có, cũng 20 năm rồi. Còn nhớ ngày đó tôi cũng mò vào Amazon tìm mua bộ sách này, nguyên bộ sách cũ in từ những năm 1970s nó gồm 11 quyển khổ lớn dày cỡ 1.000 trang/quyển tổng cộng đâu tới hơn 40kg. Bây giờ mà tha được nó về còn tốn kém chứ nói gì 20 năm trước, thích thì tìm cho vui vậy thôi chứ mua bán sao nổi 😀

Quay trở lại với bộ sách tiếng Việt, phần 11 – phần cuối – lại là phần được xuất bản đầu tiên vào năm 2019 (tôi đã có khoe một lần ở đây). Vì một lý do nào đó bộ sách này được dịch không theo thứ tự bắt đầu từ phần 1, cũng không theo thời gian xuất bản bộ sách gốc. Tới nay tôi cũng đã có đủ 10 phần, phần VI cuối cùng mới ra giá còn đắt nên chưa đủ tiền mua :P. Nói thế thôi, tôi thấy sách cũng giống như iPhone, ai mua giá bìa giống như mua iPhone lúc mới ra mắt, chịu chơi thì phải tốn tiền hơn. Giá thực của sách là giá sale 20% so với giá bìa bởi vì phần lớn sách được bán giá này và nhiều nơi bán luôn giá sale 20% này từ ngày sách ra mắt chứ không phải do ế ẩm gì. Giá sách mua rẻ là phải sale 35% hoặc hơn nữa, quả thực là có rất nhiều quyển sách hay mà lại ế ẩm có lúc sale 50% vẫn còn, không lẽ mỗi lần vậy thấy tiếc lại mua thêm vài quyển về bày?

Liên quan tới chuyện tiền bạc :D, trong buổi ra mắt vừa rồi bà Quách Thu Nguyệt cũng có chia sẻ là đã từng lo rằng dự án sẽ “đứt gánh giữa đường” vì nó lớn quá, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Nhưng ngay cả hôm nay, dù phần khó nhất đã hoàn thành nhưng chưa chắc dự án đã thành công thực sự nếu xét về sự lan toả văn minh của bộ sách tới người đọc Việt Nam. Mỗi lần xuất bản chỉ 1.000 bản (con số đẹp của ngành sách VN từ khá nhiều năm nay) mà có khi còn bán không hết thì hỏi rằng lan toả được tới mấy người, trong khi ít ra phải 3.000 bản mới hoà vốn. IRED của bác Giản Tư Trung chắc vừa có nguồn lực lớn vừa tâm huyết cũng lớn mới dám dịch bộ sách này chứ như học giả Nguyễn Hiến Lê ngày trước thì cũng lực bất tòng tâm.

Nói hay là hay vậy chứ thể loại sách này đúng là rất ít người đọc, mấy người thấy hay chắc cũng tụ tập gần đủ ở buổi ra mắt này rồi, ngoài kia còn mấy ai muốn mua :). Một ví dụ là sách hay in ít mà vẫn ế là bạn hãy đến Phương Nam Bookstore ở Vạn Hạnh Mall, ở đấy có một kệ lớn bày từng chồng các phần của bộ sách này từ lâu rồi. Sách lại bọc nylon nên mọi người còn ngại không mở ra ngó ấy chứ :). Bạn mua sách giá nào, sale cỡ mấy cũng được, cứ có người mua là còn bán được, chỉ sợ là không có ai mua.

Sách bìa cứng, giấy in rất đẹp nhưng có lẽ đây là điều duy nhất tôi không thích của bộ sách này vì tôi vốn ghét bìa cứng (tốn tiền, mỏi tay). Tôi thích bản in lớn hơn và bìa mềm nhưng tốt, kiểu như nhiều sách của Nhã Nam.

Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant

The Americans – nguy hiểm từ bên trong (p.4)

Paige đã quyết định đòi phải biết sự thật về cha mẹ cô, và cô ấy đã biết được một phần sự thật về gia đình mình. Ngay cả Gabriel – handler hiện tại của Philip và Elizabeth – cũng cho rằng đấy là một động thái phải làm, có lẽ họ ám chỉ việc để Paige dần làm quen với sự thật là bước chuẩn bị để gia nhập KGB. Sau thảm kịch do Jared gây ra KGB vẫn không từ bỏ ý định đào tạo con của các agent trở thành thế hệ agent thứ hai ở Mỹ, tất nhiên là người cộng sản dễ gì từ bỏ 🙂

Tuy vậy thực tế cho Paige biết sự thật càng ngày càng gây ra thêm nhiều rắc rối. Dù yêu cầu đầu tiên là không được tiết lộ với bất kỳ ai và biết sự thật nghĩa là phải chịu trách nhiệm nhưng Paige tỏ ra không kiểm soát được mình khi thường xuyên chất vấn về công việc của cha mẹ và về gia đình. Chuyến đi tới Tây Đức để Elizabeth gặp lại mẹ lần cuối và Paige có cơ hội gặp bà của mình cũng không giúp mọi chuyện khá hơn. Paige đơn giản là vẫn không tin cha mẹ mình, và hoàn toàn không hiểu tại sao họ lại làm agent.

Lo ngại của Philip và Elizabeth khi Paige tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ và sau đó còn cải đạo theo Tin lành là hoàn toàn hợp lý, tiếc rằng họ đã không thể ngăn chặn được việc đó, cũng như đã phải tiết lộ sự thật. Tôi cho rằng đây là hai nước đi sai lầm nhất, và họ có thể bị hạ gục bởi lý do này thay vì bị FBI hay CIA gài bẫy.

Chuyện gì phải đến cuối cùng đã đến, Paige đã tiết lộ cha mẹ mình là người Nga cho pastor Tim. Paige đơn giản là đã không giữ lời hứa giữ bí mật và sẽ không chỉ chừng đó thông tin bị tiết lộ. Paige là một teenager và mất lòng tin vào gia đình mình, thiếu kinh nghiệm sống (tất nhiên rồi), tin tưởng hoàn toàn pastor Tim thì làm sao mà giữ nổi bí mật gì.

The Americans – nghề nguy hiểm (p.3)

Tôi đã xem tới season 3, Philip mới nhận được một tin buồn từ cấp trên rằng Irina mới bị bắt một tháng trước đó ở Brazil và sẽ được đưa về Liên Xô để xét xử. Irina không phản bội tổ quốc mà chỉ đơn giản là cô ấy thấy đã cống hiến đủ rồi và muốn trốn chạy để sống một cuộc sống mới. Nhưng đấy cũng là một tội và dù có chạy qua Brazil thì vẫn không thoát. Cậu con trai của họ nay đã 20 tuổi và đang trong quân đội là có thật, đúng như Irina đã nói khi họ gặp nhau ở NYC hai năm trước, lần đầu sau 20 năm xa cách, và giờ thì chắc chắn đó cũng là lần cuối.

Ngoài công việc thì giờ Philip và Elizabeth cũng có những rắc rối nhỏ với Paige, cô con gái 14 tuổi của họ. Cô bé này do vô tình quen một cô bạn rồi đã tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ, thậm chí cuối cùng đã quyết định trở thành một tín đồ Tin lành. Paige là một teenager Mỹ và muốn tự do, muốn chứng tỏ bản thân, và thực ra cũng chưa có làm việc gì không đúng nhưng với những người cộng sản như cha mẹ cô bé thì đấy là một cú sốc.

Một rắc rối lớn với Paige mà họ không muốn nhưng cũng không có lựa chọn nào khác là KGB đã chọn Paige (cũng như những đứa con của các điệp viên khác) để đào tạo thành thế hệ điệp viên thứ 2 ở Mỹ. Câu chuyện Jared đã lén làm việc cho KGB mà chính cha mẹ cậu (một cặp vợ chồng điệp viên khác) không biết, rồi trong một phút nóng giận đã bắn chết cả cha mẹ và em gái mình là một thảm kịch kinh hoàng mà Philip và Elizabeth cùng những đồng đội KGB khác của họ đã không bao giờ tưởng tượng ra.

Họ cũng được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm hơn và có lần cũng suýt mất mạng khi gặp các đối thủ không phải hạng vừa. Dù chậm nhưng theo thời gian và xâu chuỗi các vụ việc FBI cũng từ từ nhận dạng được kẻ thù của họ, lưới được giăng ra và ngày càng thu hẹp lại. FBI cũng suýt nữa bắt được một con cá to và Elizabeth cũng thêm một lần chết hụt. CIA cũng muốn giăng một cái lưới của họ.

Họ cảm thấy mệt mỏi hơn trước, có nhiều rắc rối đời thường hơn, nhiều đồng đội của họ gục ngã hơn, và họ cũng đã cảm thấy rõ hơn nhiều mối nguy hiểm đang rình rập. Không có gì là ngạc nhiên nếu một ngày nào đó một người rời nhà để thực hiện nhiệm vụ và không bao giờ trở về.

The Americans – họ đã chiến đấu vì tổ quốc (p.2)

Bối cảnh trong phim là đầu thập niên ’80 của TK20 trong không khí căng thẳng của Chiến tranh lạnh (Cold War), đã là 20 năm sau khi hai điệp viên KGB đặt chân lên nước Mỹ. Khi tới Mỹ họ đều mới chỉ hơn 20 tuổi, đều đã trải qua một thời kỳ huấn luyện của KGB, dù đóng giả là một cặp vợ chồng nhưng họ vẫn còn là những người xa lạ chỉ mới biết nhau.

Hơn 20 năm sống ở Mỹ họ đã có một vỏ bọc rất chắc chắn (deep cover) trong một hãng du lịch nhỏ, với một gia đình, và hai đứa con. Tất nhiên họ cũng đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ và được tổ chức tin cậy. Họ có thể không sợ chết, có thể rất giỏi nghiệp vụ, nhưng cuộc đời điệp viên của họ có lẽ khó khăn lớn nhất là về tinh thần, cuộc sống cá nhân của họ dù phải chôn sâu nhưng họ không thể quên nó.

Elizabeth trẻ hơn và chỉ còn có mẹ khi rời tổ quốc đến một xứ hoàn toàn xa lạ, thời gian đầu cô cũng gặp nhiều vấn đề về tinh thần. May mắn thay lại gặp Gregory – một thanh niên ra đen cũng tràn đầy lý tưởng cao đẹp – để có thể tin cậy và sống một cuộc sống cá nhân hơn so với người chồng-đồng chí của mình. Hơn cả mong đợi, lại còn chiêu dụ được Gregory làm việc cho KGB 😀

Philip (tên thật là Misha) thậm chí còn phải đánh đổi nhiều hơn nữa, anh có cha mẹ già ở tổ quốc, anh có một mối tình ngắn ngủi với một cô gái khác (Irina) cũng là điệp viên KGB để rồi mỗi người phải đến một nơi xa lạ để sống một cuộc sống khác mà không hẹn ngày gặp lại.

Hơn 20 năm sau Misha mới gặp lại Irina (tới từ Canada) trong một nhiệm vụ ở NYC, cả hai đều đã có gia đình và đã sống một cuộc sống hoàn toàn khác, nhưng họ không thể quên cuộc sống thật của họ hơn 20 năm trước. Irina muốn dừng lại, cô không phản bội tổ quốc mà chỉ muốn biến mất, muốn sống một cuộc sống bình thường, và có Misha trong cuộc sống đó.

Nhưng Misha nay đã là Philip và có một gia đình mà đến giờ phút này nó quan trọng với anh như một gia đình thực sự, dù anh vẫn còn khó chịu vì Elizabeth – người vợ và đồng chí của anh – đã không tin tưởng anh hoàn toàn. Misha đã từ chối ra đi cùng Irina và chắc sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

Dù có những giây phút yếu đuối, dù có những lúc giao động, thậm chí bất bình khi bị tổ chức nghi ngờ lòng trung thành của mình nhưng sau cùng những điệp viên Cộng sản luôn được khắc hoạ là những con người chấp nhận hi sinh tất cả vì lý tưởng. Không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng vì điều đó, nhưng khi phải chọn thì họ chấp nhận, họ chiến đấu vì tổ quốc.

The Americans – hay từ tập đầu tiên (p.1)

Bộ phim bắt đầu với một tình huống gay cấn, ba điệp viên KGG gài bẫy và bắt cóc một điệp viên KGB (Nikolai Timoshev) đã hợp tác với FBI và được trả 3 triệu dollar. Do ở phút chót kẻ sắp bị bắt cóc với kinh nghiệm của mình đã cảm thấy có một cái bẫy nên kế hoạch bắt cóc đổ bể: mất nhiều thời gian hơn cho màn đuổi bắt, một kẻ bắt cóc bị đâm trọng thương và chết trong bệnh viện, kẻ bị bắt cóc không kịp lên tàu để về tổ quốc chịu tội phản bội.

Hai kẻ bắt cóc còn lại tên là Elizabeth và Philip, họ là một cặp vợ chồng và có hai đứa con, có một ngôi nhà như hàng triệu gia đình người Mỹ khác. Họ đều là người Liên Xô và đã đến Mỹ năm 1965, họ không phải là vợ chồng thật, họ là điệp viên KGB.

Trong lúc chưa biết xử lý thế nào, kẻ phản bội đã bị bắt cóc tạm thời bị nhốt trong cốp xe trong garage. Thật trùng hợp, ngày hôm sau họ có một hàng xóm mới và người chồng trong gia đình (Stan) mới chuyển tới đó lại là một nhân viên chống phản gián của FBI 🙂

Tình thế trở nên nguy hiểm hơn và Philip tỏ ra giao động khi biết rằng nếu nộp lại kẻ bị bắt cóc kia cho FBI thì sẽ được 3 triệu dollar của kẻ đó vì đã tha mạng, và thêm 3 triệu dollar nữa do FBI trả. Một số tiền rất lớn và họ có thể thay đổi cuộc sống hoàn toàn, Philip nghĩ rằng anh ta đã cống hiến đủ cho tổ quốc và giờ muốn có một cuộc sống mới, một cuộc sống thật như những người Mỹ. Tất nhiên “vợ” anh ta, và chắc chắn là các đồng chí của anh ta ở đất mẹ xa xôi, đã coi anh ta bị Mỹ hoá, bị thoái hoá đạo đức người và xa rời lý tưởng XHCN, và trở thành kẻ phản bội.

Elizabeth muốn giết kẻ phản bội để trả thù riêng. Philip muốn hợp tác với FBI và cuối cùng quyết định tự thực hiện một mình. Hai người bất đồng và Elizabeth muốn tự tay giết kẻ phản bội nhưng phút cuối đã từ bỏ ý định đó (sau khi đánh nhau một hồi) khi đại uý Teshimov cho biết rằng anh ta không muốn hurt (rape) Elizabeth trong một buổi training năm xưa, và đấy chỉ là it was a part of the job, a perk. Nhưng sau khi biết sự thật đó Philip đã giết Timoshev.

Và sau đó hai người trở thành vợ chồng thật sự chứ không còn chỉ đóng vai ;). Đóng vai vợ chồng có lẽ là những vai diễn khó khăn nhất với các điệp viên, mà không chỉ với các cặp điệp viên cộng sản dù chúng ta thường gặp nhiều hơn. Trong một bộ phim mà tôi quên tên, bối cảnh ở Tây Ban Nha thời chiến tranh lạnh, cũng có một cặp điệp viên CIA đóng vai vợ chồng giả 😀

The Americans

Cắm trại trên hồ thuỷ điện Trị An

Chỉ nhắc đến hai từ cắm trại (camping) thôi tôi nghĩ cũng đủ hấp dẫn nhiều người rồi, nhất là những ai máu me đi phượt. Ấy vậy mà tôi chưa cắm trại bao giờ, theo nghĩa là ngủ lều ngoài trời, dù rằng nhà tôi cũng có một cái lều cắm trại. Lần gần nhất là cắm trại trong… Thảo Cầm Viên :D, cũng lâu lắm rồi từ lúc còn chưa tăng giá vé cơ.

Hồ Trị An với tôi cũng không phải nơi xa lạ gì, có lẽ nhà tôi cũng đã chạy lòng vòng ở đó 5-7 lần trong vòng 6-7 năm nay, cũng thấy người ta cắm trại đầy ra. Hơn tuần trước thằng Đản nó rủ, tranh thủ còn rơi rớt không khí Tết lười làm ham chơi, thế là hẹn nhau CN vừa rồi vác lều lên đường. Không như tôi là hạng gà chứ thằng này nó đã vác lều đi khắp nơi, mấy chỗ cắm trại ở Trị An nhẵn mặt nó, nó có tới mấy chiếc lều và tình nguyện cho tôi mượn một chiếc, quá khoẻ 😀

5h30 dậy ngủ, 6h00 đổ đầy bình xăng xong là thẳng tiến điểm hẹn CA Q9 trên xa lộ Hà Nội. Công nhận nó chọn chỗ hẹn hay, lần đầu tôi dừng lại coi đường thì thấy gần đến, một lúc sau dừng lại coi tiếp thì thấy đi qua rồi mà không biết dù tôi nhìn thấy UBND Q9 và nghĩ CAQ cũng cạnh đó :D. Ai đi đường này nên hẹn nhau ở UBND Q9 dễ tìm.

Toàn thằng quen đi chậm nên tốc độ trung bình chỉ 50Km/h, lên tới nơi thì đâu gần 80Km mà cũng đi hết chừng 2,5 giờ cả thời gian dừng ăn sáng. Ăn phở ở một quán trên DT767, dở tệ. Chỉ nên ăn phở ở HN hay SG nếu bạn thích ăn phở (trừ một ngoại lệ như Phở Thìn ở Vũng Tàu, còn Nam Định thì tôi chưa từng đặt chân tới nên không biết). Ăn cái gì người dân ở đó hay ăn hoặc mình cũng không ăn mấy thì có dở cũng không biết.

Trước giờ đi Trị An tôi hay đi hướng cầu Hoá An, sau đó chạy theo DT768 một là để tránh QL hai là đường này nó chạy theo sông Đồng Nai có nhiều đoạn ra ngó sông được. Thêm nữa là 1/2 đường phía trên vắng, đổi lại đường xa hơn và phải đi chậm hơn. Lần này thằng kia nó dẫn chạy QL1A rồi sau đó đi DT767, đông xe (nhất là lúc về), được cái đoạn sau DT767 đường đẹp. Tôi ghét đi đường lớn vì đông xe rồi nhiều đường rẽ, cầu vượt, bị nhầm đường mấy lần. Trên đường đi có lẽ chỉ có một điểm đẹp nhất là cây cầu cũ Đồng Nai với bên dưới là một bãi toàn đá nơi xả tràn của đập thuỷ điện (không phải cầu Đồng Nai chạy qua Biên Hoà nhé :D).

Chúng tôi cắm trại ở một bán đảo nhỏ, nơi xa nhất ở bên trái đập thuỷ điện (phía đi xuống xã Hiếu Liêm) và gần tới rừng. Chỗ này vắng vẻ yên tĩnh, các khu bên ngoài nhiều khi ồn ào còn quá cha ở SG. Cắm trại mà gặp chỗ nào hay tụ tập nhậu nhẹt ầm ĩ hoặc karaoke kẹo kéo thì một đi không trở lại luôn, nên lên Gmap rate cho một sao nữa. Chỗ này tên gì tôi cũng không biết và cũng chưa thấy ai chấm nó trên map. Đúng ra là đi từ T7 nhưng do thằng kia có chút việc nên chậm lại một ngày. May hơn khôn, tối CN hầu hết mọi người đã nhổ trại về sạch nên yên ắng hoàn toàn. Bãi cắm trại chỉ còn ba thằng chúng tôi và một cặp ở đầu phía bên kia, xung quanh là hồ rộng mênh mông sóng vỗ ì oạp, xa hơn là rừng. Gần ngày rằm nên trăng sáng trưng loang loáng sáng cả mặt hồ. Đúng trăng thanh gió mát 😀

Ở đây trồng rất nhiều điều

Ăn uống thì đơn giản, thích ở chỗ hoang vắng gần tự nhiên thì xác định có gì ăn nấy mà cuối cùng thực tế là gần như không có gì mà ăn. Chỗ gần nhất chạy ra kiếm cái ăn là tt. Mã Đà cũng phải xa mười mấy km, tối cũng phải mò ra mới có ăn thật. Ở đấy có đàn gà tính tối làm một con gà nướng thì chủ bãi kêu tối mới bắt được, mà tối mới bắt thì ai mà làm, rồi bao giờ mới được ăn (ba thằng tôi dư sức lùa được một con gà nhảy xuống hồ :D). Có một đàn vịt rất đẹp, con vật nuôi thả tự nhiên nó khoẻ đẹp chải chuốt lông bóng mượt hết, tính bắt một con nướng hoặc cháo/lẩu vịt gì đó cũng hay mà chủ kêu còn nhỏ chưa ăn được :(. Ngồi nhìn vịt bơi suốt nên tôi đếm được tất cả là 15 con.

Chiều tàn rồi mấy thằng mới tính chạy xe ra tt. Mã Đà kiếm cái ăn tối, chạy đường xuyên rừng luôn vừa đẹp vừa gần hơn. Mùa khô mới chạy được thôi, mùa mưa chạy vào có mà dính đầy đất đỏ (về phải đi rửa xe ngay), xui gặp mấy cái ổ voi nữa thì khéo còn không đi nổi. Lúc trở về khoảng chừng 7h30 tối gì đó mới hơi căng, rừng tối đen như mực, chẳng có ma nào hết nhưng nhìn đường không rõ nên không dám chạy nhanh quá, thỉnh thoảng còn đi vào chỗ nhiều sỏi không cẩn thận là xoè (nếu có cũng chỉ xây xát tí thôi nhưng không bị thì vẫn thích hơn :D).

Trên đường xuyên rừng Trị An, từ bờ hồ tới đường DT761

Cắm trại nên cũng không có việc gì nhiều, ngoài ngó trời ngó đất, dò dẫm đi vào coi vườn điều thì phần lớn thời gian là ngủ, một phần lớn thời gian nữa là ngồi cafe, trà thuốc, nhậu nhẹt và chém gió đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Không gian yên tĩnh, không khí trong lành, mùa này vẫn còn mát thì không ngủ với ngồi chém gió thì còn làm gì nữa :D. Một hoạt động phổ biến là câu cá nhưng mấy thằng tôi không thằng nào có hứng với món này. Nếu bày trò ăn uống ra thì cũng mất thời gian đấy, lại mệt người, thế nên ăn ít thôi còn dành thời gian ngó trời đất. Lần tối có khi tôi mang theo một quyển sách (dù rằng chưa lần nào đi chơi mà tôi đọc được nhiều, gió mát buồn ngủ lắm :D).

Nhờ mua được một con cá lăng thế nên tối còn có món cá nướng thơm nức, tất nhiên không thể thiếu mấy lon beer chứ không sao ăn được cá :D. Mùa khô nên chỉ sợ cháy rừng chứ củi không thiếu, gió to, bếp lửa lúc nào cũng cháy đùng đùng. Mùa này chỉ cần một cái chăn mỏng, lều ngủ để ngỏ cửa luôn cho thoáng, tôi chui vào một cái túi ngủ đánh một giấc tới sáng luôn. Lúc chừng 5 giờ sáng ngó ra nghĩ hay là mình dậy cắm cái camera làm một cái timelapse quay cảnh bình minh trên mặt hồ thì đẹp nhỉ. Mà lại nghĩ video kiểu đó có khỉ gì mới, thôi dẹp, mát thế này ngủ tiếp cho sướng. Ngủ tới khi mặt trời lên nắng chói chang rồi mà nằm trong lều vẫn không thấy nóng.

Con chó này không sạch sẽ như chó ở thành phố, nhưng nó hiền và thân thiện

Lúc về hơi khổ, về sáng thì vội nên chỉ còn lựa chọn về chiều, chiều thì nắng. Nhưng đi phượt thì nắng vẫn còn sướng hơn chán so với mùa mưa. Cắm trại thì mùa mưa mệt hơn nhiều, tôi thì tôi sẽ chỉ cắm trại hay đi rừng vào mùa khô. Lần này không biết có phải mùa khô thêm nữa ở nơi thoáng gió, khô ráo mà tuyệt nhiên không có muỗi mòng gì hết, chai xịt côn trùng tôi mang theo không phải xài đến.

Cuối cùng là trước giờ tôi cũng chỉ biết ăn hạt điều, biết điều thu hoạch khi quả rụng, biết Bình Phước là thủ phủ của cây điều. Tôi ba hoa được cả một đoạn video bên dưới là nhờ thằng Phước, đất quê nó chỉ trồng được có mỗi cây thanh long nhưng mà nó lại khá rành về cây điều, ấy là vì nó lớn lên cùng với mấy cây điều mọc hoang gần nhà :D. Tôi cũng nhặt mấy hạt điều tươi về phổ biến kiến thức cho vợ con, nướng lên ăn chắc sẽ nhớ lâu hơn. Nướng cá xong Phước nó cũng nướng mấy hạt điều (tiện tay bóc vỏ giúp luôn :D) cho hai thằng tôi ăn thử, hạt điều nướng xong đập lớp vỏ cứng ở ngoài ăn nó bùi và mùi thơm như hạt lạc/đậu phộng rang, không giống hạt điều đã rang muối quen thuộc.

Tản bộ và tản mạn về thành phố của tôi ngày đầu năm

(một bài viết dở năm ngoái, đầu năm ở đây là một năm trước rồi – 01/2023, năm nay thì trung tâm thành phố đã đẹp hơn nhờ đường Lê Lợi đã thông thoáng hoàn toàn :D)

Như thường lệ nhà tôi hay kéo nhau lang thang ở trung tâm thành phố trong ngày cuối năm hoặc đầu năm mới, đi lang thang chứ không có kế hoạch gì, gọi là đi ngắm phố phường xem thế nào :). Trung tâm thành phố (với chúng tôi) thực ra là rất nhỏ, thường là gói gọn từ đường Hàm Nghi, chợ Bến Thành hướng lên đường Nguyễn Huệ, kéo dài qua khu vực UBND thành phố và Nhà hát thành phố, qua bưu điện, nhà thờ và kết thúc xa nhất cũng là công viên trước dinh Độc lập. Nó chỉ nhỏ vậy thôi vì chúng tôi đi bộ, và dù nhỏ vậy nhưng đi mãi vì dù quen thuộc mấy thì vẫn còn một lý do để đi: đi bộ 😀

Tôi không thể nào biết hết với mọi người năm vừa qua thế nào, nhưng như tôi thấy thì chắc với tình hình kinh tế khó khăn vậy thì với số đông là buồn nhiều hơn vui, không khí năm mới vì thế cũng thấy nhạt nhòa hơn, trang trí đèn hoa cũng bớt hào nhoáng hơn. Không có tiền thì cái gì cũng đi xuống hết, từ trang hoàng đường phố tới TTCK :D. Trên đường Nguyễn Huệ thấy có mỗi Rex hotel là nổi bật với đèn trang trí kiểu mosaic và tông màu xanh/trắng đẹp mắt.

Cũng đâu chừng 2-3 tháng rồi tôi không ghé đường Nguyễn Huệ, năm mới ghé qua mà thấy nó nhếch nhác vô cùng, chắc cũng do kinh tế ảm đạm quá :). Chuyện phố đi bộ này nhếch nhác, mất vệ sinh, hàng rong lộn xộn, rồi như mới gần đây lại có vụ lộn xộn đánh nhau hình như cũng giữa mấy đứa trẻ con trượt ván và đám bán hàng rong… toàn chuyện rất cũ, người dân kêu ca chắc chán quá rồi, cái lạ là nó cứ mãi tồn tại như vậy ngay trước UBND thành phố chứ đâu phải vùng sâu vùng xa gì (không biết có ông lãnh đạo Q1 nào đủ dám “dũng cảm” nói không biết hay chưa nghe anh em báo cáo không? :D).

Phố đi bộ không cấm bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm vì đấy là nhu cầu của mọi người đến đấy vui chơi nhưng nó phải có trật tự, chỉ nên giới hạn khu vực bán hàng ở hai bên vỉa hè thay vì để hàng rong như ở các chợ cóc ngồi la liệt khắp nơi rồi thi thoảng lại có người đi dẹp, xong chỉ một lúc sau lại đâu đấy chứ cũng không phải chờ tới hôm sau. Đám trẻ chơi trượt ván thì cũng phải có giới hạn khu vực thay vì muốn chơi ở đâu thì chơi, tôi từng chứng kiến khi có mấy anh chạy xe máy tới thổi còi toét toét thì tất cả đám đó nó dừng lại hết, nhưng chỉ một phút sau khi mấy anh chạy đi thì lại đâu vào đấy.

Hoàng hôn trên đường Lê Lợi một ngày sát Tết 2024